Đừng quên dành cho trẻ những tình cảm thân thương như nựng, hôn, hay khen thật nhiều để động viên trẻ và khích lệ con mỗi khi còn làm được việc tốt.
Trẻ ở tháng thứ 31 đã có khá nhiều thay đổi về hình thể. Trẻ phát triển nhanh, mạnh về chiều cao hơn là cân nặng. Điều này giải thích nguyên nhân các bắp chân bắp tay của trẻ còn khẳng khiu và hơi nhão, trong khi phần chi và sụn bắt đầu dài ra giúp cho cơ thể bé cân đối hơn như người lớn.
Khả năng vận động của trẻ ngày càng tiến triển tốt. Từ việc mon men tập đi, đến tháng này trẻ đã biết nhảy lên trên không, hai chân nhấc khỏi đất.
Cử động của đôi tay cũng hết sức khéo léo, thuần thục. Đặc biệt, trẻ có thể sử dụng đũa để ăn, lật khéo léo từng trang sách, cầm bút chì đúng cách và biết mở nắp hộp…
Trẻ đã có thể nói chuyện nhiều hơn với cách sử dụng vốn từ phong phú của mình. Mặc dù phát âm của trẻ còn khá non nớt nhưng hầu hết mọi người đều nghe và hiểu ý của trẻ một cách nhanh chóng.
Trẻ rất thích được sử dụng những từ như “và”, “tại sao”, “ở đâu”, “con sinh ra từ đâu ạ”…Bên cạnh đó trẻ cũng có thể hát được một số bài đồng dao ngắn hay kể một câu chuyện thật diễn cảm.
Để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho con, tốt nhất là bạn nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính trong mỗi bữa (tinh bột, hoa quả và rau xanh, chất đạm và các sản phẩm từ sữa). Số lượng thức ăn, bữa ăn cần căn cứ vào độ tuổi của trẻ để điều chỉnh. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ với các đồ ăn nhẹ.
Một điểm cần lưu ý là bạn không nên coi thường việc cho trẻ ăn nhiều vào bữa sáng. Sáng cần ăn nhiều, thường thì có bánh mặn, bánh ngọt, trứng gà, sữa bò, cháo… có thể kết hợp cùng với các loại thức ăn nhẹ khác, chất dinh dưỡng chiếm khoảng 25% số lượng thức ăn cả ngày.
Bữa trưa chiếm khoảng 35% và bữa tối nên cho trẻ ăn hơi nhạt, chất dinh dưỡng chiếm khoảng 30% tổng số lượng thức ăn cả ngày.
Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là vào những thời gian giao mùa. Bệnh này có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biểu hiện của bệnh là ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao, xuất hiện các cơn co kéo cơ hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên có thể nghe ran rít, kèm khò khè và có thể bị khó thở, nặng hơn trẻ có thể bị tím tái.
Bệnh thường có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa.
Khi trẻ mắc bệnh có thể chăm sóc trẻ ở nhà bằng việc thường xuyên thông mũi cho trẻ với 2-3 giọt nước muối sinh lý, dùng thuốc theo chỉ định. Nếu bệnh nặng cần đưa trẻ tới khám và điều trị ở các cơ sở y tế.
Để phòng tránh bệnh này, lưu ý các mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không nên để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành. Ngoài ra cần có biện pháp theo dõi sức khoẻ của trẻ thường xuyên kể cả khi trẻ có hoặc không mắc một số bệnh bẩm sinh liên quan tới hô hấp hay tim phổi.
Trẻ em được ví như búp trên cành. Do đó bạn đừng quên dành cho trẻ những tình cảm thân thương như nựng, hôn hay khen thật nhiều để động viên trẻ và khích lệ con mỗi khi con làm được việc tốt.
Khuyến khích trẻ vui chơi những trò vận động như chơi bóng, nhảy ô, nhảy cao và nhảy múa … để phát triển thể chất hoặc các trò kích thích trí tưởng tượng như chơi cờ, xếp hình, đoán đồ vật…
Mẹ có thể thỉnh thoảng dẫn trẻ đi shopping, mua cho trẻ những bộ quần áo đáng yêu, hợp với lứa tuổi để trẻ thấy tự tin hơn trước các bạn khác cũng như yêu bản thân mình hơn. Bên cạnh đó cần dạy trẻ phép lịch sự khi làm khách, hướng dẫn trẻ chào hỏi, cám ơn, khi cần phải xin phép người lớn.