Cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước lọc mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng và sức khoẻ chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch…
Trong quá trình tăng trưởng, bé chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng như di truyền, dinh dưỡng, nội tiết… Não coi như gần hoàn chỉnh nhưng mọi hoạt động của não vẫn chưa cân bằng.
Độ tuổi này khả năng mắc một số bệnh liên quan đến trí não ở trẻ vẫn trong tình trạng báo động. Hệ thống miễn dịch của trẻ tiếp tục hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn thường xuyên bị nhiễm trùng.
Khả năng vận động của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đến tháng này trẻ có khả năng giữ thăng bằng tốt hơn, đứng bằng một chân trong vài giây, có thể đi lại dễ dàng, với dáng dấp của một người lớn.
Trẻ vẫn vô cùng hiếu động và muốn được thử sức với mọi trò chơi. Tuy nhiên trẻ vẫn chưa đủ khả năng để nhận thức được mối nguy hiểm nên tình trạng tai nạn với trẻ khi bạn không chú ý rất hay xảy ra.
Khả năng nhận thức của trẻ khá tốt. Trẻ có trí nhớ tốt, óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú và có thể cầm bút vẽ được đường thẳng, đường tròn hay một số hình đơn giản khác.
Ngoài ra tính độc lập cũng cao khi trẻ có thể tự mặc được trang phục của mình mà không còn cần đến sự trợ giúp của người lớn, tranh luận với người lớn để bảo vệ ý kiến của mình. Khả năng nói của trẻ có thể nói tương đối tốt trong tháng này. Vốn từ của trẻ rất phong phú không thể tính được. Trẻ rất thích được nói chuyện với mọi người.
Ở tuổi này trẻ đã có thể thể hiện khiếu hóm hỉnh của mình để thu hút sự chú ý của người lớn như kể chuyện diễn cảm, nhảy múa, hát…
Bạn nên cho trẻ tập thói quen ăn cùng gia đình. Đây là cách bạn giúp trẻ làm quen với nhiều món ăn, thời gian bữa ăn, quy định trong bữa ăn…Đây cũng là cách giúp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình thêm gắn bó.
Tuy nhiên nếu có điều kiện vẫn có thể chuẩn bị thức ăn thêm cho trẻ như thịt vẫn cần ninh nhừ hoặc băm nhỏ, cá cần gỡ sạch xương, rau thái nhỏ và nấu mềm hơn…
Ngoài 3 bữa chính bạn có thể cho trẻ ăn thêm một số bữa phụ trong ngày tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của từng trẻ. Thêm vào nữa, bạn cần cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước lọc mỗi ngày.
Những loại thực phẩm này cung cấp nhiều chất xơ, vitamin A, vitamin C và kali, tốt cho quá trình tiêu hoá và hấp thụ. Ngoài ra, hầu hết hoa quả đều chứa chất chống ôxy hóa, các chất giúp chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch. Bạn không nên ép trẻ ăn uống nhiều để tránh gây cảm giác sợ hãi cho trẻ các lần ăn sau.
Trẻ biếng ăn là vấn đề khiến các bậc phụ huynh thực sự lo lắng. Biểu hiện của những trẻ biếng ăn là trẻ ăn ít hơn bình thường, ăn thức ăn chọn lọc, chỉ ăn vài loại thức ăn, có trẻ sợ ăn, từ chối hay nôn oẹ khi nhìn thấy thức ăn.
Bữa ăn có thể kéo quá dài trên 30 phút thậm chí hàng tiếng, do trẻ không chịu nuốt thức ăn hoặc bỏ ăn do nhiều nguyên nhân gây ra. Biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như khẩu vị thức ăn, tâm lý trẻ hay một số tật về đường tiêu hoá.
Vì vậy, để phòng tránh biếng ăn ở trẻ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này như khẩu vị thức ăn có hợp với trẻ không, khẩu phần thức ăn đã cân đối chưa, không khí ăn uống có thoải mái không…Nếu trường hợp phát hiện trẻ có những dị tật ở đường tiêu hoá dẫn đến tình trạng biếng ăn xảy ra thường xuyên cần đưa trẻ tới khám bác sĩ ngay.
Đối với cha mẹ, chăm con khoẻ dạy con khôn luôn là mục tiêu phấn đấu hàng đầu. Do đó cần thiết phải lập kế hoạch chăm sóc con hợp lý mà khoa học. Kế hoạch chăm sóc con nên bao gồm cả chế độ dinh dưỡng, phương pháp nuôi dạy con thông minh, khoẻ mạnh hay giữ gìn vệ sinh cho con như thế nào.
Thường xuyên quan tâm, dành nhiều thời gian và tình cảm cho con để mối quan hệ giữa bố mẹ và con, gia đình thêm gắn bó như cả nhà đi cắm trại, đi du lịch, về quê, cùng nhau chụp những bức ảnh lưu niệm,…Để phòng tránh các bệnh cho con, bạn đừng quên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám chữa bệnh định kỳ.